Sứ Đồ Giăng
Tác giả: Harold W. Attridge
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam
Theo các sách Tin Lành, Sứ-đồ Giăng là ai?
Các Phúc Âm Cộng Quan cho chúng ta biết rằng trong số các môn đồ đầu tiên của Ngài, Giê-su đã gọi Gia-cơ và Giăng, hai ngư dân Ga-li-lê, con trai của Zê-bê-đê (Ma-thi-ơ 4:21, Mác 1:19, Lu-ca 5:10). Hai người này và Phi-e-rơ là các môn đồ rất thân cận của Giê-su. Theo Tin Lành Mác ghi lại, sau khi Giê-su rao giảng tại nhà hội ở Ca-bê-na-um Gia-cơ và Giăng đi theo Giê-su đến nhà của hai anh em Phi-e-rơ và Anh-rê (Mác 1:29). Ba môn đồ này đi theo Giê-su vào nhà của Giai-ru, một quan chức của nhà hội (Mác 5:37, Lu-ca 8:51), Giai-ru là người có cô con gái được Giê-su dựng sống lại từ cõi chết. Ba môn đồ này cũng có mặt trong sự hóa hình của Giê-su (Ma-thi-ơ 17:1; Mác 9:2; Lu-ca 9:28), và chính họ cũng là người đã không tỉnh thức được với Giê-su khi Ngài cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Mác 14:33). Mác cũng ghi lại rằng ba môn đệ này cùng với Anh-rê đã tìm cách hỏi cho rõ ý nghĩa lời tiên tri của Giê-su về sự hủy diệt đền thờ (Mác 13:3). Lu-ca thuật lại rằng Giê-su giao cho Phi-e-rơ và Giăng việc chuẩn bị bữa ăn tối cuối cùng của mình (Lu-ca 22:8).
Gia-cơ và Giăng xuất hiện thường xuyên trong vòng 12 Sứ-đồ (Ma-thi-ơ 10:2, Mác 3:17, Lu-ca 6:14, Công-vụ 1:13). Tin Lành Mác cũng đề cập đến việc Giê-su đã đặt tên cho họ là Bô-a-nẹt, nghĩa là con trai của sấm sét (Mác 3:17), ám chỉ về việc dấn thân nhiệt tình của họ. Lòng nhiệt thành của họ được nêu bật trong một số câu chuyện miêu tả cách hai anh em này tương phản với Giê-su như thế nào. Giăng bị Giê-su quở trách vì cố gắng giữ gìn địa vị của các môn đồ của Giê-su bằng cách bịt miệng một kẻ trừ quỷ (Mác 9:38–41, Lu-ca 9:49–50). Theo Tin Lành Mác, Gia-cơ và Giăng yêu cầu Giê-su ban cho họ ngôi cai trị bên cạnh Ngài khi Ngài được vinh hiển (Mác 10:37), điều này làm các môn đồ khác giận họ (Mác 10:41). Tuy nhiên, Giê-su hứa là họ sẽ không được vinh hiển, nhưng sẽ nhận thương khó (Mác 10:38–40). Trong Lu-ca, Gia-cơ và Giăng đề nghị kêu gọi lửa từ trời để đốt cháy người Sa-ma-ri vì họ từ chối Giê-su (Lu-ca 9:54), điều này khiến Giê-su quở trách họ (Lu-ca 9:55).
Vai trò đặc biệt của Giăng trong số những người theo Giê-su là gì?
Công-vụ các Sứ-đồ gợi ý về vai trò của Giăng trong số những người theo Giê-su sau phục sinh. Phi-e-rơ và Giăng đi công tác cùng với nhau trước khi Giê-su chết (Lu-ca 22:8), họ trở thành những người lãnh đạo thực hiện phép lạ (Công-vụ 3:1–4, Công-vụ 3:11), vào tù (Công-vụ 4:1–3), bảo vệ tín hữu trước Tòa công luận (Công-vụ 4:7–12, Công-vụ 4:19) và phục vụ với tư cách sứ giả để xác nhận sự tiếp nhận tin lành của người Sa-ma-ri do Phi-líp rao giảng (Công-vụ 8:14). Phao-lô mô tả các tương tác của mình với cộng đồng Giê-ru-sa-lem vào những năm 30, gọi Giăng, Gia-cơ, và Phi-e-rơ là những trụ cột của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem (Ga-la-ti 2:9).
Trong thế kỷ thứ hai, khi các tác phẩm của người Cơ-đốc đầu tiên có nhiều khả năng được xem là có thẩm quyền (hoặc thậm chí có thể được xem là có thẩm quyền kinh điển) nếu các tác phẩm này được liên kết trực tiếp với một trong các sứ đồ, truyền thống liên kết Giăng với một số kinh văn được phát triển. Có ảnh hưởng lớn nhất là sự liên kết Giăng với Tin Lành Thứ Tư và “người môn đệ yêu dấu” trong Tin Lành Giăng (Giăng 13:23, Giăng 19:26, Giăng 20:2, Giăng 21:7, Giăng 21:20–23). Nhân vật vô danh đó, có lẽ dựa trên một nhân chứng về cái chết của Giê-su (Giăng 19:35), là người có bản văn làm chứng vửng chắc về Tin Lành (Giăng 21:25), là một môn đồ lý tưởng, hiện diện với Giê-su trong những giờ phút cuối cùng của Ngài, được nhận làm anh em của Ngài tại chân thập giá, và chứng kiến sự phục sinh của Ngài.
Tân Ước đề cập đến các nhân vật khác cũng tên là “Giăng,” kể cả tác giả của sách Khải Huyền (Khải Huyền 1:4, 1:9). Hầu hết các giáo phụ xác định Sứ đồ Giăng là tác giả của Tin Lành Thứ Tư, các thư tín của trường phái Giăng, và Khải Huyền. Tuy nhiên cũng có một số người không đồng ý. Papias, một nhà sưu tầm các truyền thống đầu tiên, đã đề cập đến “cụ lão” Giăng, khác với Sứ-đồ Giăng. Nhà sử học thế kỷ thứ tư Eusebius (Lịch sử Giáo hội 3.39), trích dẫn Papias, cho rằng “cụ lão” Giăng đã viết Khải Huyền. Một số học giả hiện đại đã quy kết “cụ lão” Giăng là tác giả của một số tài liệu của trường phái Giăng. Nhiều học giả hiện đại không tin rằng Sứ-đồ Giăng là “người môn đồ yêu dấu,” và rất ít người tin rằng sứ đồ Giăng đã viết Tin Lành Thứ Tư mà chúng ta có hiện nay.
Irenaeus (trong Against Heresies 2.22.5, 3.1.1, 3.3.4) ghi lại rằng Giăng sống ở Ê-phê-sô cho đến thời Trajan và tương tác với dị giáo Cerinthus. Clement of Alexandria (trong What Rich Man Can be Saved 13) thuật lại những nỗ lực của Giăng để cứu một tên cướp trẻ tuổi. Tertullian (trong On the Prescription of Heresies 36) thuật lại chuyện người Rô-ma tìm cách đun nấu sống Giăng trong dầu. Sách Công vụ của Giăng, từ cuối thế kỷ thứ hai, mô tả Giăng và các phép lạ ở Ê-phê-sô và nói lên một chứng cớ về tính chất thuộc linh của sự nhiệt thành với Giê-su.
Huyền thoại của ông mặc dù đã được phát triển như thế nào, sứ đồ Giăng cũng đóng một vai trò quan trọng trong phong trào Giê-su đầu tiên.