Search the Site

Donate

Cyrus the Messiah (Vietnamese)

Tiên tri Ê-sai xem hoàng đế Ba-tư Si-ru Đại Đế — một người ngoại — là một ma-shi-akh và “người được xức dầu” của Yahweh.


Cyrus Cylinder

Ma-shi-akh Si-ru

Tác giả: Lisbeth S. Fried

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

Nhiều người được xức dầu trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, và nhiều người được gọi là ma-shi-akh hay “người được xức dầu.  Thầy tế lễ thượng phẩm được gọi là thầy tế lễ được xức dầu (Lê-vi Ký 4:3).  Đức Chúa Trời truyền lệnh cho Ê-li  xức dầu cho hai người khác nhau làm vua: Ha-xa-ên làm vua A-ram (1 Các Vua 19:15) và Giê-hu con trai của Nim-si làm vua Y-sơ-ra-ên.  Đức Chúa Trời cũng truyền lệnh cho Ê-li xức dầu cho người kế vị cho Ê-li là Ê-li-sê, con trai của Sa-phát, làm tiên tri (1 Các Vua 19:16).  Tại thời điểm này, tước hiệu “ma-shi-akh” hay “người được xức dầu” không mang ý nghĩa đấng cứu thế loài người trong ngày sau rốt.

Hoàng đế Ba Tư Si-ru là người duy nhất không có gốc Do Thái trong Kinh Thánh được gọi là ma-shi-akh hoặc “người được xức dầu” của Yahweh Chúa của Y-sơ-ra-ên.  Ê-sai nói với chúng ta rằng Yahweh phán “với ma-shi-akh của mình, với Si-ru, người mà ta [Yahweh] đã dùng tay hữu của người để khuất phục các quốc gia trước người” (Ê-sai 45:1).  Những người khác được gọi là “ma-shi-akh” hoặc “người được xức dầu” trong Kinh Thánh không được gọi là “ma-shi-akh của Yahweh, ” như Si-ru được gọi.

Đại đế Si-ru (559–530 trước Công Nguyên), người mà Ê-sai:45 gọi là “người được xức dầu của Yahweh,” là vua Ba Tư của Fars, địa phận miền nam của Iran ngày nay. Đến năm 546, Si-ru đánh bại vị vua giàu có Crô-ê-su của Li-đi-a (ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại), và thủ đô Sa-đi của Li-đi-a đã rơi vào tay của Si-ru cùng với tất cả các thành phố khác của Tiểu Á.  Si-ru sau đó lại chuyển hướng đến vương quốc hùng mạnh nhất ở Trung Á: Ba-bi-lôn.  Đến cuối năm 539, Si-ru chiếm được Ba-bi-lôn và bắt giữ Na-bô-ni-đu, vua của Ba-bi-lôn. Đế quốc Ba Tư do Si-ru thành lập kéo dài từ A-gi-an đến Trung Á.

Vị tiên tri nào đã xác định Si-ru là “người chăn chiên và được xức dầu” của Yahweh?

Tác giả của Ê-sai Thứ hai, Ê-sai 40-65, có lẽ đã sống ở Ba-bi-lôn trong cuối thời kỳ lưu đày (cuối thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên).  Chúng ta biết Ê-sai Thứ hai được viết sau năm 539 vì Ê-sai 40-65 đề cập đến Si-ru Đại đế.

Khi được gọi là “người được xức dầu của Yahweh” mang ý nghĩa gì, như Si-ru được gọi trong Ê-sai Thứ hai? Chúng ta biết rằng tước hiệu thường dành cho những người cai trị xứ Giu-đa. Tuy nhiên, đối với các tác giả Kinh Thánh, “người được xức dầu của Yahweh” mang nhiều ý nghĩa hơn là một tước hiệu.  Nó cũng bao hàm ý nghĩa thần học.  Tước hiệu “người được xức dầu của Yahweh” mang ý nghĩa là vị vua hợp pháp được Đức Chúa Trời chỉ định và bảo vệ. Trong Thi Thiên, vị vua này được lý tưởng hóa và thần thoại hóa.

Câu hỏi được đặt ra là mặc dù sau khi đã biết đầy đủ ý nghĩa thần học liên quan đến tước hiệu “người được xức dầu của Yahweh” tại sao tác giả của Ê-sai Thứ hai vẫn dùng tước hiệu này để gọi Si-ru, hoàng đế Ba Tư?

Khi Si-ru và con trai kế vị của ông là Cam-bi-sê mở rộng đế quốc Ba Tư hùng mạnh, các thầy tế lễ địa phương của những đền thờ có thế lực mạnh đã dùng các tước hiệu và ý tưởng thần học mà họ đã phong tặng cho các vị vua của họ để gọi các vị vua người Ba Tư (các vị vua đã chinh phục lãnh thổ của họ).

Tác giả của Ê-sai Thứ hai dường như đã làm như vậy.

Sau khi Cam-bi-sê chiếm được Ai Cập, các thầy tế lễ địa phương đã tán tụng Cam-bi-sê là Pha-ra-ôn, hay là Vua của Thượng và Hạ Ai Cập.  Ở Ba-bi-lôn cũng vậy, Cam-bi-sê được ca ngợi là hoàng tử của Ba-bi-lôn và sau đó, với tư cách là vua trong một lễ hội Năm Mới dành riêng cho quốc vương hợp pháp của Ba-bi-lôn.

Tại sao Ê-sai, các thầy tế lễ ở Marduk, và các thầy tế lễ Ai Cập ban tặng vinh dự này cho Si-ru?

Trước tiên: vì tư lợi. Những thầy tế lễ này gắn liền sự thành công của họ với thành công của những người chinh phục họ. Thứ hai, các thầy tế  lễ này nhận ra rằng việc phục hồi các đền thờ của họ phụ thuộc vào thiện chí của nhà lãnh đạo Ba Tư.

Xy-lanh Si-ru nổi tiếng, một xy-lanh cổ xưa làm bằng đất sét dài 25 cm ghi khắc lại câu chuyện Si-ru “giải phóng” Ba-bi-lôn, câu chuyện này thuật lại rằng Si-ru được sự giúp đỡ của vị thần Mi-lút của Ba-bi-lôn, phục hồi sự thờ phượng tại các đền thờ là nơi mà Na-bô-ni-du đã xóa bỏ các hình ảnh thờ cúng và mang họ đến Ba-bi-lôn.

Nhưng có một lý do thứ ba mạnh mẽ hơn là ông và các thầy tế lễ khác đã hợp tác với những người đã chinh phục họ: họ tin rằng những người Ba Tư xâm lược đã đặt các vị thần địa phương của các quốc gia bị chinh phục về đứng về phe của họ.  Đương nhiên! Làm thế nào mà họ có thể chinh phục các quốc gia này nếu các vị thần địa phương không cho phép điều đó?  Cùng một ý tưởng như vậy, Ê-sai biết rằng Yahweh đã dùng Si-ru để chinh phục Ba-bi-lôn và đưa người Giu-đa trở về quê hương của họ.

 

Bài viết này được trích ra từ “Cyrus the Messiah” trong Bible Review 19, số 5 (tháng 10 năm 2003), Biblical Archaeology Society xuất bản.

  • Lisbeth Fried

    Lisbeth S. Fried is visiting scholar at the University of Michigan’s Department of Near Eastern Studies. She is the author of The Priest and the Great King: Temple-Palace Relations in the Persian Empire (Eisenbrauns, 2004) and Ezra and the Law in History and Tradition (University of South Carolina Press, 2014). She is preparing a critical commentary on Nehemiah for Sheffield Academic Press.