Search the Site

Donate

Monotheism in the Hebrew Bible (Vietnamese)

Mặc dù Kinh Thánh Hê-bơ-rơ không mang tính chất độc thần theo định nghĩa chung của từ ngữ này, nghiên cứu so sánh cho thấy bản chất của tính chất độc thần là tính chất độc nhất của Chúa, chứ không phải là tính chất duy nhất của Chúa.


William Blake

Độc Thần Luận trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ

 

Tác giả:  Benjamin Sommer

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Thị Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

 

Một số độc giả sẽ ngạc nhiên khi biết rằng các học giả Kinh Thánh tranh luận về Kinh Thánh mà người Do Thái cổ đại đã viết có mang đặc tính độc thần hay không.  Rốt cuộc, khái niệm chỉ có một chúa  chẳng phải là một trong những đóng góp to lớn của Do Thái cổ đại cho nền văn minh hiện đại? Há chẳng phải người Do Thái nổi tiếng vì chỉ tin vào một chúa?

Kinh Thánh Hê-bơ-rơ có nhiều nội chứng cho thấy nhiều người Do Thái tin vào sự hiện hữu của nhiều vị thần.  Họ là những người Do Thái có niềm tin đa thần mà các tiên tri trong Kinh Thánh đã chỉ trích vì họ đã tôn thờ các vị thần khác.  Tuy nhiên, một số tác giả của các bản văn Kinh Thánh dường như cũng có niềm tin đa thần.  Kinh Thánh Hê-bơ-rơ đề cập đến nhiều thiên thần, và gọi các thiên thần này là “các vị chúa” (Sáng-thế Ký 6:2; Thi Thiên 29:1, 82:6, 86:8, 89:7; Gióp 1:6), “thiên thần” (Dân-số Ký 20:16; 2 Sa-mu-ên 24:16; 1 Các Vua 13:18; Thi Thiên 78:49; Gióp 33:23), và “hội đoàn của các thánh” (Thi Thiên 89:5).

Nếu chúng ta chấp nhận định nghĩa phổ thông về thuyết độc thần với niềm tin rằng không có vị thần nào hiện hữu ngoài duy nhất một Đức Chúa Trời, thì Kinh Thánh Hê-bơ-rơ không phải là một văn phẩm mang tính chất độc thần. Cho nên chúng ta có thể đặt câu hỏi về sự hữu ích của định nghĩa này; vì rốt cuộc, cái gọi là “tôn giáo một Chúa” của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo cũng có thể hiện niềm tin vào các thiên thần — sống bất tử trên thiên đàng.  Công giáo và Chính Thống giáo Cơ Đốc tin cầu xin với các vị thánh cư ngụ trên thiên đàng — những người này tuy đã chết nhưng sự hiện hữu của họ không bị gián đoạn.

Nói tóm lại, định nghĩa phổ thông về thuyết độc thần không hữu ích vì nó không nắm bắt được điều thiết yếu nào để phân biệt tôn giáo của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ với các tôn giáo vùng Lưỡng Hà, Ca-na-an, và Ai Cập cổ đại, cũng như Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Một phạm trù rất lớn không thể làm ngơ được của tín ngưỡng đa thần bao gồm Ấn Độ giáo và Do Thái giáo, sự tôn thờ đa thần của Hy Lạp và sự tôn thờ Đức Chúa Trời của Kinh Thánh.

Nhà triết học Hermann Cohen (1842–1918) và học giả Kinh Thánh Yehezkel Kaufmann (1889–1963) đã đề xuất một định nghĩa khác và hữu ích hơn. Theo Cohen, đó là sự độc đáo của Đức Chúa Trời, chứ không phải là sự đơn nhất của Đức Chúa Trời (sự đơn nhất này là bản chất của thuyết độc thần). Điều làm nên sự khác biệt giữa Kinh Thánh Hê-bơ-rơ và các văn bản Cận Đông cổ đại khác không phải là nó phủ nhận sự hiện hữu của thần Ma-duk và Ba-an, nhưng sự khẳng định rằng Yahweh, Đức Chúa Trời của I-sơ-ra-ên, khác biệt về chất lượng với tất cả các vị thần khác vì Yahweh có nhiều quyền năng hơn.

Do đó, thuyết độc thần là một niềm tin cho rằng có một đấng tối cao hiện hữu và ý chỉ của đấng ấy có chủ quyền đối với tất cả các thần khác. Những thần khác này có thể bao gồm các thiên thần bất tử trên thiên đàng ở dưới quyền của đấng tối cao độc nhất, trừ khi thần đó tự nguyện từ bỏ sự kiểm soát. Vấn đề quan trọng là độc thần luận không căn cứ vào con số của các vị thần nhưng mà là các mối quan hệ giữa các vị thần. Một thần học có quan điểm là không có một vị thần nào có quyền lực tối thượng trên tất cả các khía cạnh của vũ trụ là một thần học đa thần (ngay cả khi thần học đó chỉ biết một vị thần); một thần học mà có quan điểm là có một vị thần có quyền lực tối cao là thần học độc thần (ngay cả khi trong thần học đó có những thiên thần khác).

Kaufmann và những học giả khác đã chỉ ra rằng các văn bản Kinh Thánh có tính chất độc thần theo định nghĩa này. Các vị thần thấp hơn và thiên thần trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ khác với các vị thần trong  Ca-na-an, Lưỡng Hà và văn chương Hy Lạp bởi vì các vị thần này không bao giờ thành công trong việc thách thức Yahweh. Nhiều bản văn Ca-na-an, Lưỡng Hà, và Hy Lạp ký thuật lại những cuộc xung đột mà trong đó một vị thần cao đang bị đe dọa nghiêm trọng hoặc bị lật đổ.  Chúng ta nên cần biết rằng có các bản văn Kinh Thánh mô tả một cuộc xung đột giữa Yahweh và Biển (Ê-sai 27:1, Ê-sai 51:9–11; Ha-ba-cúc 3:8; Thi Thiên 74:13–15, Thi Thiên 89:6–14; và Gióp 26:5–13). Tuy nhiên, không giống như các bản văn khác về các cuộc chiến giữa các vị thần, những đoạn văn này trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ thiếu kịch tính thực sự. Những đoạn văn này không có ý nghĩa rằng Yahweh phải tham gia với một nỗ lực thực sự để đàn áp cuộc nổi dậy. Ba-an và Ma-duk, Ze-us và Krô-nos phải rất vất vả để được địa vị tôn vinh; ngược lại, Yahweh đã có địa vị đó khi bắt đầu và giữ địa vị này một cách dễ dàng. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này, vì nếu không có nó, người ta có thể đưa ra một lập luận dễ hiểu rằng Yahweh chỉ là một vị thần cao cấp khác như Mar-duk, Ba-an hoặc Zê-us.

Trong các thần học đa thần, quyền năng của các vị thần rất lớn, nhưng họ phải ở dưới sức mạnh của vật thể hoặc quyền lực mạnh hơn chính họ. Trong Kinh Thánh Hê-bơ-rơ, ý chỉ của Yahweh không bao giờ bị cản trở bởi các thế lực thiên nhiên, của vật thể hoặc của các vị thần khác. Chỉ trong một phạm trù mà Yahweh mới có thể bị cản trở: ý chí tự do của con người. Ngoại lệ này là kết quả từ quyết định của chính Yahweh trong việc sáng tạo ra con người có khả năng lựa chọn tốt và xấu. Giới hạn duy nhất này là Yahweh tự áp đặt cho mình, trong khi những hạn chế của các vị thần trong các văn bản đa thần thường là kết quả của các quyền năng vượt xa hơn chính họ.

Có thể có những ngoại lệ dành cho những nhận xét khái quát này. Một số học giả cho rằng Thi Thiên 82 gợi ý rằng Yahweh trở thành vua của vũ trụ tại một thời điểm cụ thể và Sáng-thế Ký 6:1–4 có thể ám chỉ rằng Yahweh thực sự lo ngại những kẻ thù tiềm năng. Trong Sáng-thế Ký 3:22, Yahweh có vẻ lo ngại rằng con người có thể đòi hỏi quyền năng thần thánh cho chính họ, tuy nhiên, quyền năng này khác với quyền năng mà Yahweh tự nguyện nhượng lại cho con người.  Kinh Thánh Hê-bơ-rơ tuyệt đối không có văn bản đa thần nào mà rõ ràng, trong khi các yếu tố đa thần vẫn luôn hiện diện trong văn phẩm Cận Đông và Hy Lạp cổ đại. Tuy nhiên, điều mà các nghiên cứu hiện đại cho thấy là câu hỏi về thuyết độc thần rất phức tạp, và rất thú vị nhiều hơn là mọi người nghĩ.

Benjamin Sommer, “Monotheism in the Hebrew Bible”, n.p. [cited 1 Jul 2019]. Online: https://www.bibleodyssey.org:443/people/related-articles/monotheism-in-the-hebrew-bible

 

  • Benjamin Sommer

    Benjamin Sommer is professor of Bible at the Jewish Theological Seminary in New York. Prior to teaching at the Jewish Theological Seminary, he served as Director of the Crown Family Center for Jewish Studies at Northwestern University. His book The Bodies of God and the World of Ancient Israel (Cambridge University Press, 2009) won several awards. His most recent book is Revelation and Authority: Sinai in Jewish Scripture and Tradition (Yale University Press, 2015).