Search the Site

Donate

Bethlehem (Vietnamese)

Thành phố Bết-le-hem nằm cách vài kilomet về phía nam của Giê-ru-sa-lem, là một thành phố của người Do Thái nơi Đa-vít được xức dầu làm vua Y-sơ-ra-ên. Theo truyền thống Cơ-đốc giáo Bết-le-hem cũng là nơi sinh của Giê-su.


Interior view

Bết-lê-hem
Tác giả: Michael F. Bird
Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

Sau khi Ba-by-lôn chinh phạt Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, cộng đồng Do Thái không còn một vị vua nào. Hoàn cảnh lưu vong này làm nảy sinh những kỳ vọng về sự xuất hiện của một đấng được xức dầu để phục hồi triều đại Đa-vít. Bết-lê-hem quen thuộc với độc giả của Kinh Thánh chủ yếu bởi vì thành phố này được tiên tri là nơi mà một vị vua mới thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ được sinh ra.  Theo câu chuyện Chúa giáng sinh, Bết-lê-hem là nơi sinh của Giê-su (xem Mi-chê 5:2; Ma-thi-ơ 2:1–18; Lu-ca 2:1–20; Giăng 7:42).

Bết-lê-hem quan trọng thế nào trong Do Thái cổ đại?

Bết-lê-hem của Giu-đa nằm 8 km (5 dặm) về phía nam-tây nam của Giê-ru-sa-lem với độ cao 762 m (2500 ft). Thành phố này nằm trên vùng đồi Giu-đa, một phần của trung tâm dãy núi chạy theo hướng bắc-nam xuyên qua phần lớn xứ Phi-li-tin (tên Rô-ma cổ đại của khu vực). Nhưng lưu ý rằng có một Bết-lê-hem khác nằm ở Ga-li-lê, một ngôi làng thuộc lãnh thổ bộ lạc của Sa-bu-lôn (Giô-suê 19:15).

Tuy rằng Bết-lê-hem của Giu-đa không có nguồn gốc rõ ràng nhưng các tài liệu khảo cổ cho thấy rằng nó đã có từ thế kỷ thứ mười bốn trước Công Nguyên. Các cuộc khai quật của thành phố đã tìm thấy bằng chứng về các khu định cư thời đồ đồng và đồ sắt. Thành phố được nhắc đến lần đầu trong Kinh Thánh liên quan đến Ê-phơ-rát gần nơi chôn cất Ra-chên, vợ của tộc trưởng Gia-cốp (Sáng-thế Ký 35:19, 48:7). Sanh-ma, cháu nội của Ca-lép, được gọi là “tổ phụ của Bết-lê-hem” (1 Sử-ký 2:51), và có liên quan đến việc thành lập của nó. Thành phố này có lẽ được thành lập như một khu định cư của người Y-sơ-ra-ên trong thời gian của Các Quan Xét (khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 11 trước Công Nguyên).

Bết-lê-hem nổi tiếng vì sự liên hệ của nó với câu chuyện hung bạo và vương quyền Đa-vít. Bết-lê-hem cũng là quê nhà của một người Ép-ra-im Lê-vi và người vợ bé của ông ta, câu chuyện người đàn bà bị giết chết đã gây nên chiến tranh giữa các bộ tộc dẫn gần đến sự hủy diệt của bộ lạc Bên-gia-min (Các Quan Xét 19–20). Nhưng Bết-lê-hem không phải chỉ liên hệ với máu và giết chóc! Bết-lê-hem có mối liên hệ chặt chẽ với triều đại Đa-vít và niềm hy vọng về sự xuất hiện của một Đa-vít mới trong kỷ nguyên sau lưu đày. Trong sách Ru-tơ, Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi đến từ Bết-lê-hem và Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem từ Mô-áp cùng với con dâu góa bụa Ru-tơ, người về sau này kết hôn với Bô-ô (là người bà con và cũng là người chuộc lại sản-nghiệp cho Na-ô-mi). Trong câu chuyện đó, Bô-ô và Ru-tơ là tổ tiên của vua Đa-vít (Ru-tơ 4:17–22). Tiên tri Sa-mu-ên đã xức dầu cho Đa-vít làm vua trên Y-sơ-ra-ên tại Bết-lê-hem (1 Sa-mu-ên 16:1–13). Trong thời kỳ sau lưu vong, nhà tiên tri Mi-chê đã nói tiên tri rằng Đức Chúa Trời sẽ dựng lên một vị vua dòng Đa-vít từ thành phố Bết-lê-hem (Mi-chê 5:2). Do đó, Bết-lê-hem là nơi bắt đầu của triều đại Đa-vít và từ đó một vị vua mới trong dòng Đa-vít sẽ lại đến.

Giê-su có thực sự được sinh ra tại Bết-lê-hem không?

Ma-thi-ơ và Lu-ca đều thuật lại rằng Giê-su được sinh ra tại Bết-lê-hem. Tuy nhiên, nhiều học giả lại kết luận rằng Giê-su có thể được sinh ra tại Na-xa-rét chứ không phải tại Bết-lê-hem, họ cho rằng các tác giả Tân Ước thường có xu hướng miêu tả Giê-su là điều ứng nghiệm của kinh sách Cựu Ước; do đó, họ có khuynh hướng về câu chuyện Giê-su sinh ra tại Bết-lê-hem như một cách để giải thích Mi-chê 5:2. Ngoài ra, một cuộc kiểm tra dân số trên toàn lãnh thổ đòi hỏi tất cả mọi người phải trở về quê hương của họ là điều những học giả này không tin là có thể làm được (Lu-ca 2:1–4).

Tuy nhiên, Bết-lê-hem không đóng một vai trò chính trong niềm mong đợi Đấng Được Xức Dầu của người Do Thái; cho nên, ta không nhất thiết phải xoay quanh câu chuyện Giê-su sinh ra tại Bết-lê-hem để hợp thức hóa Ngài là Đấng Được Xức Dầu (Mác và Phao-lô dường như không biết về truyền thống Giê-su sinh ra tại Bết-lê-hem nhưng họ vẫn tin rằng Giê-su là Đấng Được Xức Dầu). Việc kiểm tra dân số trên toàn lãnh thổ Rô-ma chắc chắn là không thể có được, tuy nhiên, nhu cầu dân chúng quay trở lại vùng đất của tổ tiên để đòi tài sản hoặc đăng ký thuế không phải là điều chưa từng xảy ra. Trong mọi trường hợp, theo một số tác giả Tân Ước, Giê-su được sinh ra tại Bết-lê-hem ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Điều này cũng ám chỉ đến sự liên hệ của Giê-su với truyền thống về Đấng Được Xức Dầu xuất thân từ dòng dõi Đa vít.

  • Michael F. Bird

    Michael Bird is lecturer in theology at Ridley Melbourne College of Mission and Ministry in Melbourne, Australia. He is the author of The Saving Righteousness of God (Wipf & Stock, 2007), Jesus Is the Christ: The Messianic Testimony of the Gospels (IVP Academic, 2013), and A Bird’s-Eye View of Paul (Intervarsity Press, 2008).