Search the Site

Donate

Roman Centurion (Vietnamese)

Thầy đội trong Ma-thi-ơ 8:5–13 và Lu-ca 7:1–10 phục vụ trong quân đội của Hê-rốt An-ti-pa, ông thuyết phục Giê-su chữa lành người đầy tớ của mình.


Roman Centurions

CHÚNG TA CÓ THỂ BIẾT ĐƯỢC NHỮNG GÌ VỀ VIÊN ĐỘI TRƯỞNG RÔ-MA?

Tác giả: Helen K. Bond

Dịch sang tiếng Việt: Ly Crystal Lưu và Lê Tiến Huy, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

Theo Ma-thi-ơ 8:5–13, khi Giê-su đến thành Ca-bê-na-um có một sĩ quan Rô-ma gọi là “đội trưởng” cầu xin Ngài chữa bệnh cho người đầy tớ của mình. Giê-su đề nghị đi đến nhà của người sĩ quan này, nhưng ông ta nói rằng mình không xứng đáng, và chỉ cần Giê-su truyền lệnh, người đầy tớ sẽ được lành bệnh. Câu chuyện này cũng được ghi lại trong Lu-ca 7:1–10, chỉ khác một vài chi tiết.  Đặc biệt là người đội trưởng này và Giê-su chưa từng gặp nhau; vì vậy, những trưởng lão người Do Thái làm trung gian, họ nhân cơ hội này nhấn mạnh lòng mộ đạo và cảm tình của người đội trưởng này dành cho cộng đồng người Do Thái — họ cũng nói rằng người đội trưởng đã “xây cất nhà hội cho họ” (Lu-ca 7:5).  Trong cả 2 sách tin lành, người đội trưởng là một mô hình của đức tin nhằm gợi lại hình ảnh của những người mộ đạo, không có gốc Do Thái, được đề cập đến trong Cựu Ước (ví dụ như Na-a-man người Sy-ri trong II Các Vua 5), và cũng để điểm hướng tới sự mở rộng sau này của Hội Thánh cho các dân tộc khác.

Hầu hết các học giả cho rằng câu chuyện này xuất phát từ một nguồn tài liệu được Ma-thi-ơ và Lu-ca sử dụng, nhưng Mác thì không biết đến nguồn này (các học giả hiện đại gọi nguồn này là Q). Nguồn Q là một tài liệu sưu tầm những câu nói của Giê-su, và rất có thể là Ma-thi-ơ và Lu-ca đã pha trộn thêm chi tiết vào nguồn Q để thích hợp với mục đích riêng của mình. (Một số người cho rằng câu chuyện này cũng làm nền tảng cho phân đoạn Giăng 4:46–54).

Vậy viên đội trưởng này là ai? Ông ấy được gọi là hekatontarchos, một từ Hy-lạp, tương đương với từ centurio của La-tin. Ông không phải là một người lính sĩ quan phục vụ trong quân đội Rô-ma, bởi vì thời bấy giờ chưa có quân đội Rô-ma ở Ga-li-lê; ông có lẽ thuộc quân đội hoàng gia của Hê-rốt An-ti-ba. Những lãnh vương được Rô-ma bổ nhiệm (như trường hợp của Hê-rốt An-ti-ba), theo đòi hỏi phải cần có một quân đội để hỗ trợ quân sự cho Rô-ma khi cần thiết. Quân đội của Hê-rốt An-ti-ba đã tham gia một trận chiến với A-rê-ta IV của xứ Na-ba-ta-ê-a năm 36 trước Công Nguyên, một trận chiến thảm bại và không được phép của Rô-ma; ngoài những chi tiết này, chúng ta biết rất ít về quân đội của Hê-rốt. Người Do Thái không bị động viên nhập ngũ, và có thể An-ti-ba đã chiêu dụng binh lính từ các dân tộc khác như cha mình là Hê-rốt I đã từng làm. (Nhà sử học người Do Thái Giô-sê-phu miêu tả quân đội của Hê-rốt trong Antiquities 17.198).  Việc sử dụng quân hàm Rô-ma cho thấy Hê-rốt An-ti-ba đã sắp xếp quân đội của mình theo tổ chức quân đội Rô-ma.

Một đội trưởng Rô-ma quản lý 80 người lính (không phải 100 theo ý nghĩa của từ centurio). Có rất nhiều điều để chứng minh rằng đội trưởng thật sự là những chuyên gia quân sự. Hầu hết các đội trưởng không “nợ” chức vụ của họ xuyên qua các mối quen biết liên hệ họ hàng gia đình nhưng cậy vào khả năng của chính họ.  Những người đội trưởng có địa vị xã hội nhất định và một mức lương tương xứng. Ngoài việc chỉ huy chiến trận, họ còn quản lý các hoạt động khác như: gìn giữ trật tự công cộng (xem Công-vụ 27:1–3, Công-vụ 27:43), đảm trách hải quan và giám sát việc thi hành án tử hình (Mác 15:39).  Quân đội của Hê-rốt An-ti-ba có lẽ đã từng tạm trú trong các thị trấn. Mặc dù các đội trưởng được miêu tả một cách tích cực trong Tân Ước, nghiên cứu của các học giả đương thời ngược lại khẳng định rằng các đội trưởng đã không được người dân ưa thích, và dưới ánh mắt của người dân, các đội trưởng là những người độc ác, thích dùng bạo lực và chỉ quan tâm đến bản thân mình.

Chúng ta không biết gốc gác xuất xứ của viên đội trưởng này. Ông ta rõ ràng không phải sinh ra là người Do Thái, hay người ngoại nhập tịch Do Thái.  Lu-ca cho biết rằng ông có sự cảm thông với niềm tin Do Thái.  Lời ghi chú về việc ông đã xây nhà hội cho người Do Thái (nếu có thật như vậy) hàm ý ông là người giúp đỡ cộng đồng người Do Thái ở Ca-bê-na-um.  Mặc dù Ma-thi-ơ không nói gì về vấn đề này, tuy nhiên, có lẽ Lu-ca đã miêu tả viên đội trưởng này trong hình ảnh của một người mộ đạo để mở đường cho “những người kính sợ Chúa” khác trong Công-vụ các Sứ-đồ (nghĩa là những người đồng cảm với niềm tin của người Do Thái).  Trong khía cạnh lịch sử, tất cả những gì chúng ta có thể biết được về viên đội trưởng này là ông phục vụ trong quân đội của Hê-rốt An-ti-ba, đóng quân tại Ca-bê-na-um, và có thể ông đã thuyết phục Giê-su chữa lành cho đầy tớ của mình.

  • Helen K. Bond

    Helen K. Bond is Professor of Christian Origins and Head of the School of Divinity at the University of Edinburgh, Scotland. She is interested in all aspects of the first-century Jewish world and the emergence of earliest Christianity. Her publications include Pontius Pilate in History and Interpretation (Cambridge University Press, 1998), Caiaphas: Friend of Rome and Judge of Jesus? (Westminster John Knox, 2004), and The Historical Jesus: A Guide for the Perplexed (Bloomsbury, 2012). She has just finished a book on Mark as the first biographer of Jesus to be published by Eerdmans in 2020.